Tuesday, August 23, 2005

Tin tặc, hackers, và hồ sơ biệt ngữ

Luôn dịch hacker thành tin tặc hoặc các từ mang nghĩa xấu khác là sai nghiêm trọng.

Chữ hack trong tiếng Anh có nhiều nghĩa. Dò tự điển Webster thì các nghĩa phổ thông "to manage successfully", hoặc "to clear or make by or as if by cutting away vegetation" là gần nghĩa kỹ thuật nhất. Hai nghĩa gần đúng và thông dụng là "to write computer program for enjoyment" và "to gain access to computers illegally". Hack có thể được dịch là "chọc ngoáy", "mày mò". Khi ngồi nghịch mã nguồn các device drivers của Linux, ta có thể nói: "I am hacking around with Linux drivers".

Thế dân kỹ thuật nói gì về hack? Hack/hacker là các biệt ngữ của dân máy tính. Muốn hiểu thật kỹ thì ta phải đọc hồ sơ biệt ngữ hay còn gọi là The Jargon File. Dân máy tính và ... hackers nói riêng phải biết các biệt ngữ này.

Giáo sư Raphael Finkel (lúc đó là sinh viên ở Stanford) viết phiên bản đầu tiên của hồ sơ biệt ngữ năm 1975. Đây là bộ sưu tập các biệt ngữ của văn hóa kỹ thuật ở các trường đại học, phòng nghiên cứu nối với nhau ở thời kỳ sơ khai của Internet (mạng ARPANET).

Ý nghĩa chính của hack là "áp dụng sự khéo léo một cách thích đáng". Kết quả có thể là một đoạn mã chương trình thông minh, hay cả một hệ điều hành. Một nghĩa phụ của hack là trò đùa thực tế (practical joke). Bạn tham khảo
phần bàn về định nghĩa hack của hồ sơ biệt ngữ để biết thêm các ví dụ về hack.

Một trong những hacker nổi tiếng nhất thế giới là tiến sĩ
Richard M. Stallman , người khởi xướng GNU. Ông viết về ý nghĩa của hacking , rất đáng đọc.

Một trong những ví dụ tếu về hack mà tôi thích là vụ hiện thực hóa RFC 1149. Các
RFC (request for comments) là các tài liệu đề cử các chuẩn mới cho Internet. Ví dụ: RFC 793 cho TCP, RFC 791 cho IP. TCP và IP là các protocols thông dụng nhất của Internet.

Ngày cá tháng tư nămg 1990, RFC 1149 đề nghị chuyển dữ liệu qua ... lưng chim. Tựa đề của RFC này là "một chuẩn cho việc truyền các gói IP qua vận tải không gian". Dĩ nhiên đây là một trò đùa cá tháng tư. Thế nhưng đến 28 tháng 4 năm 2001, nhóm người dùng Linux Bergen đã thực hiện thành công vụ chuyển dữ liệu qua lưng chim này. Họ in dữ liệu của các gói IP theo dạng Hex ra giấy, bắt bồ câu kẹp giấy bay qua một hòn núi nhỏ ở Bergen, Na Uy, sau đó dùng một phần mềm nhận dạng chữ in (ORC) để quét dữ liệu từ giấy vào máy bên kia, thiết lập lại gói IP.