Monday, July 11, 2005

Các thách thức về pháp luật của công nghệ P2P

Các công nghệ/ý tưởng nào có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống đều tạo các thách thức mới về nhiều mặt: kỹ thuật, xã hội, pháp luật, vân vân. Công nghệ peer-to-peer (P2P technology) không là ngoại lệ. Kazaa, Chord, Gnutella (hiện thực bởi Bearshare, Limewire, Morpheus), BitTorrent (hiện thực bởi Morpheus), Tapestry, v.v. là các đại diện phổ biến của các giao thức và ứng dụng P2P mà có lẽ các bạn đã nghe/dùng qua.

Dịp khác ta sẽ bàn về các thách thức về mặt kỹ thuật/thiết kế của P2P. Giáo sư Pamela Samuelson của Berkeley dẫn một seminar với tên gọi " Công nghệ P2P: các thách thức về luật pháp và chính sách". Dân làm máy tính rất nên biết các thông tin này vì nó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khía cạnh pháp luật và chính sách liên quan đến các sản phẩm tương lai của bạn.

Giới kinh doanh âm nhạc/phim ảnh của Mỹ (như RIAA, MGM) đã khởi tạo các vụ kiện gây tiếng vang lớn liên quan đến các sản phẩm P2P như vụ kiện Napster, vụ kiện Aimster, và vụ kiện Grokster gần đây nhất. (Đó là chưa kể đến vụ kiện người sử dụng các dịch vụ P2P.)

Tôi tóm tắt các lập luận và sự kiện có liên quan:
  • Chia sẻ nhạc và phim ảnh trên các mạng P2P với số lượng lớn là xâm phạm bản quyền. Điều này khó có thể chối cãi được. Do đó, nếu có bằng chứng cụ thể, giới kinh doanh nhạc/phim hoàn toàn có thể kiện người dùng (và họ đã làm để dọa).
  • Giới kinh doanh những năm gần đây bắt đầu tiến tới kiện cả những người sản xuất và phân phối các dịch vụ này. Ngoài các vụ đã kể (liên quan đến P2P), còn có vụ phần mềm deCSS dùng để crack DVD của Jon Johansen người Thụy Điển, hay vụ kiện Dmitry Sklyarov với phần mềm crack eBook của Adobe.
  • Câu hỏi chính quanh vấn đề phức tạp này là: "người tạo ra các công nghệ có khả năng bị lạm dụng cho việc vi phạm bản quyền có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?" (trong khi bản thân họ không trực tiếp vi phạm bản quyền).
  • Câu trả lời là không nếu công nghệ này có khả năng lớn để dùng cho các việc không vi phạm (substantial non-infringing uses - SNIUs).
  • Câu trả lời trên không kẻ ranh giới rõ ràng. Một tiền án quan trọng nhất là vụ Sony chọi Universal Studios năm 1984, hay còn gọi là vụ Betamax. Số là máy Betamax của Sony hồi đó có thể dùng để chép lại các phim truyền qua TV, và Universal Studio kiện Sony bán sản phẩm dùng để xâm phạm bản quyền phim. Tòa án tối cao Mỹ phán quyết rằng Betamax có SNIU. Các sản phẩm mới liên quan đến digital TV recording (như TiVo, ReplayTV , UltimateTV) và digital audio recording (như Replay Radio) cũng ở tình trạng tương tự. Đa số các sản phẩm này còn cho phép thu lại các chương trình TV/Radio trong khi bỏ qua các quảng cáo. Giới truyền thông Mỹ đã kiện SonicBlue về vấn đề này, mặc dù các VCR từ những năm 90 đã có chức năng bỏ qua quảng cáo này.
  • Do sự phức tạp đó, giới kinh doanh thắng kiện trong vụ Napster và Aimster, còn vụ Grokster vẫn đang tiếp diễn, hứa hẹn các kết quả thú vị.
Nếu giới kinh doanh thắng kiện liên tục, dân lập trình sẽ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra sản phẩm mới, xem nó có khả năng bị lạm dụng để xâm phạm bản quyền hay không. Ví dụ, MGM cho rằng sản phẩm nào có đến 90% là để dùng xâm phạm bản quyền thì người sản xuất phải chịu trách nhiệm liên đới (ví dụ 90% các files chia sẻ bởi ứng dụng Grokster là các files lậu). Nếu tòa án chấp nhận lý luận này thì sẽ tạo tiền lệ rất khó chịu. Giả sử một ISP tăng băng thông nhiều lần cho người dùng, nhưng 90% băng thông được dùng để tải các files lậu thì thế nào?