Thursday, July 07, 2005

Công nghệ thông tin ở Trung Quốc

Tờ Communications of the ACM tháng 4 (số 48) năm nay có nhiều bài viết về tình hình phát triển công nghệ thông tin ở Trung Quốc (TQ). Có nhiều bài học thiết thực cho Việt Nam. Tôi tóm tắt lại đây vài điểm quan trọng.
  • Bài viết của Richard P. Suttmeier nói về các chuẩn kỹ thuật và cái gọi là chủ nghĩa dân tộc kỹ thuật (technonationalism). Suttmeier bắt đầu bằng sự kiện TQ năm ngoái tìm cách đề bạt chuẩn WAPI (wireless authentication and privacy infrastructure) ra thế giới bằng cách yêu cầu tất cả các sản phẩm mạng cục bộ không dây (WLAN) bán ở TQ phải theo chuẩn này. Cuối cùng thì TQ bỏ ý định này do sức ép của các công ty lớn của Mỹ. Sau đó Suttmeier phân tích các mối tương quan phức tạp trong việc phát triển công nghệ ở một nước đang lên với tiềm năng kỹ thuật và thị trường khổng lồ như TQ. Ví dụ, các nhà làm chính sách và các khoa học gia tầm lãnh đạo dĩ nhiên là không muốn TQ bị phụ thuộc vào công nghệ và các chuẩn của nước ngoài, cho nên họ tìm cách thúc đẩy sáng tạo trong nước và tạo chuẩn cho riêng mình, với hy vọng dần dần tách khỏi sự phụ thuộc công nghệ vào các nước và tập đoàn phương Tây. Ngược lại, các công ty gia công thuê [có rất nhiều ở TQ] thì lại kiếm tiền trên chính sự phụ thuộc công nghệ này. Tìm giải pháp cân bằng hai hướng này là một vấn đề nhức đầu cho các nhà làm chính sách.
  • Bài viết của Jonathan J. H. Zhu và Enhai Wang có nhiều thống kê quan trọng về sử dụng Internet ở TQ.
    Cho đến tháng 12 năm 2004, TQ có khoảng 94 triệu người dùng Internet, biến TQ thành thị trường Internet lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ. (Con số này lấy theo trung tâm thông tin Internet của TQ - còn gọi là CNNIC. Họ làm thống kê một năm 2 lần từ 1997 đến nay.)
    Bài báo cho biết, dù số người dùng bùng phát khá nhanh, nhưng vẫn chưa đến mức đáng lẽ có thể đạt được. Lý do chính không phải là dân TQ thiếu tiền kết nối Internet, mà do các lý do sau, từ quan trọng nhất trở xuống: (1) thiếu khả năng sử dụng máy tính, (2) thiếu trang thiết bị, (3) thiếu thời gian, và (4) thiếu hứng thú. Một trong những yếu tố quan trọng là tâm lý cho rằng máy tính chưa thật sự cần thiết. Trong khi đó, thị trường điện thoại di động có tổng số người dùng khoảng 330 triệu, cao gấp 3.5 lần tổng số người dùng Internet.
    Khoảng 56% truy cập Internet qua các dịch vụ dial-up, phần còn lại có broadband access. Tôi tự hỏi các con số này ở Việt Nam là bao nhiêu? Các số thống kê khác [phần trăm các loại dịch vụ dùng như emails, P2P, vân vân] cũng tương tự như ở các nước phát triển.
    Ảnh hưởng lớn nhất của Internet đến xã hội TQ là một thay đổi căn bản về truyền thông trong xã hội. Ví dụ như hồi bệnh SARS bùng phát năm 2003, chính phủ TQ cấm các báo chí chính thống đăng tin trong năm tháng đầu tiên, trong khi đó vài chục triệu dân TQ đã biết tin này qua điện thoại, thông điệp SMS, email, các trang web, và các kênh khác.
    Bài báo kết luận rằng lịch sử chuyển hóa xã hội của phương Tây (nhờ Internet và các phát kiến truyền thông kỹ thuật khác) đang lập lại ở TQ, dù là nhịp độ tiến triển khá chậm chạp.
Còn vài bài hay về TQ nữa trong số báo này của Communications of the ACM, bạn có thể tự tìm đọc thêm.

Tôi kết thúc bằng các thực tế sau đây:
  • Tháng 12 năm 2004, công ty Levono của TQ mua lại đơn vị IBM's PC với giá 1.75 tỉ USD.
  • Năm 2004, sohu.com thu về khoảng 100 triệu USD. Charles Zhang, người sáng lập website này và thường được mệnh danh là Bill Gates của TQ, được báo Time chọn là một trong 15 Global Tech Gurus, và báo BusinessWeek chọn là một trong 25 CEOs tiêu biểu của các doanh nghiệp điện tử toàn cầu.
  • Năm 2004, giáo sư Andrew Yao (giải Turing năm 2000 ) đã về đại học Tsinghua. Các bạn bè người TQ cho tôi biết họ trả lương cho giáo sư Yao cao không kém lương ở Mỹ, và ông không phải là trường hợp cá biệt.