Saturday, July 09, 2005

Điều trần về tương lai của nghiên cứu KHMT ở Mỹ

Ngày 12 tháng 5, có một buổi điều trần với ủy ban khoa học của hạ nghị viện Mỹ về tình trạng tài trợ nghiên cứu khoa học máy tính hiện nay. Các nhân chứng trong buổi điều trần bao gồm các tiến sĩ
John Marburger III, giám đốc văn phòng chính sách khoa học và công nghệ của nhà trắng (OSTP).
Anthony J. Tether, giám đốc chi nhánh các dự án nghiên cứu cấp cao của bộ quốc phòng (DARPA).
William Ạ Wulf, chủ tịch viện kỹ thuật quốc gia (NAE).
Tom Leighton, khoa học gia trưởng (chief scientist) và đồng sáng lập viên của Akamai Technologies , đồng thời là giáo sư khoa toán ứng dụng của MIT. Số là gần đây giới nghiên cứu KHMT ở Mỹ đang càm ràm về tình trạng giảm sút đáng kể về tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học máy tính, đặc biệt là ở các trường đại học. Bài báo sau đây ở tạp chí Science tóm tắt khá tốt tình hình này: Lazowska and Patterson, An Endless Frontier Postponed, Science 2005 308: 757Hai tổ chức đóng vai trò thiết yếu tài trợ nghiên cứu cơ bản cho khoa học máy tính là NSF và DARPA. Chính các tài trợ của hai tổ chức này trong 40 năm qua đã mang lại các phát kiến đóng vai trò chủ đạo cho sự phát triển cực mạnh về nhiều lĩnh vực của Mỹ mấy mươi năm qua. Rất nhiều các công nghệ trung tâm của khoa học máy tính hiện đại đã được phát triển từ các nghiên cứu căn bản ở các trường đại học: mạng Internet, các hệ thống time-sharing, PKC, google, web browsers, cơ sở dữ liệu, đồ họa máy tính, vân vân, ... Các công nghệ này tạo ra những ngành công nghiệp nhiều chục tỉ đô la và biết bao nhiêu công ăn việc làm, đó là chưa kể năng suất lao động của các ngành khác, năng suất trao đổi thông tin và học tập, truyền thông, vân vân, đều bùng phát nhờ các công nghệ này. Tài trợ nghiên cứu tầm xa là đầu tư chiến lược của một quốc gia, và Mỹ không là ngoại lệ. Bốn mươi năm vừa qua là minh chứng sinh động cho tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản được quản lý và tài trợ tốt. Mấy năm gần đây thì DARPA chuyển hướng tài trợ: từ nghiên cứu cơ bản sang các nghiên cứu ngắn hạn, có ứng dụng ngay theo kiểu R&D của các công ty. DARPA gọi nó là kiểu nghiên cứu "làm cầu nối" giữa nghiên cứu cơ bản và công nghệ ứng dụng. Báo cáo tổng hợp của buổi điều trần đưa ví dụ: năm 1998 thì DARPA tài trợ 30% tổng số tiền tài trợ nghiên cứu KHMT, NSF đóng góp 27%; đến năm nay thì DARPA chỉ còn đóng góp 6%. Không chỉ giảm phần trăm, tổng số đô la tài trợ của DARPA cũng giảm đáng kể (143 triệu USD năm 2005). Nói cách khác, DARPA đặt gánh nặng tài nghiên cứu cơ bản lên vai NSF và, phần nào đó, vào phòng khoa học của bộ năng lượng ( DoE).Cụ thể hơn, tôi đang làm một dự án của DARPA được sub-contract từ Telcordia. So với một dự án khác của NSF thì làm với DARPA rất khó chịu vì phải báo cáo thường xuyên về tiến trình nghiên cứu và vì chính sách xem xét "tiếp tục hay không" (go/no-go) sau 1 năm hay 18 tháng. Cứ sau một khoảng thời gian từ 1 năm đến 18 tháng mà dự án chưa có kết quả "rõ ràng" thì dự án sẽ không được tiếp tục tài trợ. Kết quả của chính sách này là các nghiên cứu tầm xa rất khó được tài trợ của DARPA. Có rất nhiều vấn đề quan trọng cần vài năm "nấu chín" ý tưởng mà không phải chạy theo các báo cáo "vụ mùa" hai tháng một. Để so sánh, một dự án thông thường của NSF có thời khoảng là 3 năm. Dự án cho một CAREER grant của NSF cho các giáo sư trẻ thì được đến 5 năm.Một "hậu quả" nữa của các chính sách mới của DARPA là hiện nay đa phần họ tài trợ các công ty thay vì các giáo sư đại học. Các công ty có nhiều tài nguyên và người làm các dự án ngắn hạn này hơn. Tuy vậy, khi dự các buổi họp của các princial investigator của DARPA thì tôi thấy các công trình ở các công ty cũng chẳng khác gì các công trình thông thường ở các trường đại học. Các bạn có thể đọc kỹ hơn các báo cáo của buổi điều trần trên ở đây. Hội nghiên cứu điện toán ( CRA) có một blog bàn nhiều về vấn đề này.