Sunday, July 10, 2005

Giới thiệu sách: "Lược sử nghịch lý"

Tôi vừa đọc xong quyển "lược sử nghịch lý" của giáo sư Roy Sorensen. Quyển sách điểm qua rất nhiều các tư tưởng và triết gia thế giới trong vài nghìn năm qua bằng các nghịch lý và hành trình của nhân loại giải thích các nghịch lý này. Lược sử nghịch lý rất đáng đọc: hài hước, sâu sắc, và nhiều thông tin. Trong loạt bài Chung qui chỉ tại Cantor, tôi đã giới thiệu một số nghịch lý đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của lý thuyết tính toán hiện đại. Dĩ nhiên các nghịch lý này cũng được Rorensen đề cập. Xin trích lại đây hai đoạn vui trong sách.Đoạn số một. Trong bài "Concerning the Jews ", tạp chí Harper, tháng ba năm 1898, Mark Twain viết:
"Tôi chẳng kính trọng Satan gì lắm; nhưng ít nhất tôi có thể tuyên bố rằng tôi không có thành kiến gì với hắn. Có khi tôi lại còn nghiêng về phía hắn một chút, vì hắn không được đối xử công bằng. Tất cả các tôn giáo đều phát hành thánh kinh thóa mạ hắn, thế mà ta chưa bao giờ được nghe gì từ phía hắn. Ta chỉ có bằng chứng từ bên công tố mà ta đã phán xử. Với tôi, điều này không bình thường, nó không Anh, không Mỹ. Nó là Pháp. " Đoạn số hai. Thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, Epicharmus viết một đoản kịch như sau. Một con nợ đến gặp chủ nợ. Vì thiếu tiền, hắn tìm cách thuyết phục chủ nợ để khỏi trả tiền.
Con nợ hỏi: "nếu có một đống đá cuội, và ta thêm hoặc bớt một cục, thì ta có còn cùng số đá không?"
Chủ nợ trả lời: "dĩ nhiên là không rồi".
"Nếu ta có một mét chiều dài, sau đó cộng hay trừ một mẩu, thì ta có còn một mét không?", con nợ hỏi tiếp.
"Không", chủ nợ trả lời. Con nợ thuyết phục tiếp rằng con người cũng y như vậy. Sau một thời gian thì con người già đi, lớn lên, gần đi, mập lên, vân vân. Không có ai giống hệt như anh ta trong quá khứ. Chủ nợ lẽ dĩ nhiên là đồng ý.
Con nợ kết luận: "vậy thì tôi chẳng nợ anh cái gì cả, vì tôi hôm nay đâu có phải người đã vay anh hôm trước đâu."Chủ nợ bí ý, không biết nói sao, bèn đấm con nợ một phát ngã chỏng gọng.
Con nợ tức lắm, hỏi: "sao anh lại đánh tôi?"
Chủ nợ trả lời, giọng rất thương cảm, "tôi có phải là người đã đánh anh đâu?" Các mẩu chuyện này đều mang một mệnh đề, một ý nghĩa triết học nhất định trong chương tương ứng của quyển sách hai mươi bốn chương. Sorensen lược qua các lập luận của bao thế hệ triết gia, từ Anaximander, Zeno, Socrates, Plato, Aristotle, Sextus Empiricus, đến Hume, Kant, Hegel, Russell, Wittgenstein, Quine. Quyển sách được viết công phu và rất quyến rũ.