Tuesday, June 28, 2005

Thế giới ảo trong Second Life

Người viết: Đỗ Bình Minh

Tôi không phải là người chơi game nhiều đã khá lâu rồi, nhưng nếu có thời gian để chơi game, chắc tôi sẽ chọn Second Life, đã được người thiết kế và viết chính Cory Ondrejka giới thiệu ở PARC gần đây . So với các game nhập vai và nhiều người chơi (multi-user) khác thì Second Life còn tương đối mới, nhưng nếu thăm website của game này sẽ thấy là nó đã được viết trên rất nhiều tờ báo nổi tiếng .

Vậy cái gì làm nên sự hấp dẫn của Second Life, cái chính là ở đó người chơi có thể làm gần như tất cả các thứ mà họ có thể tưởng tượng và muốn làm ở thế giới thực . Hầu hết các trò chơi online hiện nay thì người chơi sẽ hóa thân thành một nhân vật anh hùng, vào một thế giới được tạo ra trước bởi người viết game và thường là tham gia các cuộc chiến đấu . Trong Second Life, ngươi viết game chỉ định ra các yếu tố vật lý của thế giới và tất cả các vật thể trong thế giới đó hoàn toàn được tạo ra bởi người chơi , miễn là các vật thể đó tuân theo các nguyên tắc vật lý của thế giới ảo (digital world) đó. Người chơi hoàn toàn có thể tạo hình ảnh nhân vật của mình một cách tùy thích (sửa khuôn mặt, mầu da, quần áo etc). Khi mới vào, người chơi sẽ chỉ có nhân vật ảo của mình, nếu có tiền, anh ta có thể mua một mảnh đất, mua các dụng cụ và làm bất cứ cái gì trên mảnh đất của anh ta như xây nhà, tạo công xưởng sản xuất ôtô, mở lớp dạy nhạc, mở sàn nhảy, cùng các bạn tạo ra một thế giới nhỏ của mình trong một quần thể xã hội lớn hơn. Nếu không có tiền, người chơi vẫn có thể đến thăm tất cả các nơi mà người sở hữu mảnh đất nơi muốn đến cho phép .

Nếu thế giới trong Second Life không khác gì và mô phỏng nhiều thế giới thực, thì có cái gì hay mà làm cho số người chơi tăng với tỷ lệ 15% mỗi tháng như vậy? Hãy quên chuyện sản xuất tàu con thoi bay vào vũ trụ (mặc dù điều đó hoàn toàn làm được trong Second Life), tưởng tượng bạn là người yêu thích làm các mẫu ôtô, nhưng ở ngoài để lắp được một cái ôtô như ý muốn cần rất nhiều thời gian và công sức . Trong Second Life, bạn có thể mua các bộ phận (chế tạo bởi các thành viên khác) hoặc tự chế tạo chúng, sau đó lắp thử và chạy, nếu không đồng bộ thì chỉnh sứa, sau đó đem chạy thử trong Second Life và tham khảo ý kiến cúa các thành viên khác . Nếu nhiều người thích, bạn có thể bán kiếm tiền , hoặc quyết định chế một cái tương tự ngoài thế giới thực. Toàn bộ công đoạn chế tạo và chạy thử ở trong thế giới ảo chỉ mất vài tuần, nhưng có thể giúp ích rất nhiều trong việc chế tạo thật bên ngoài. Hiện nay, theo Cory thì có rất nhiều người đã sống bằng việc chế tạo các sản phẩm, mở lớp dạy học trong Second Life và bán lại cho các thành viên khác. Có nhiều người Linden Lab mời vào làm và tham gia phát triển Second Life, nhưng họ từ chối vì kiếm tiền trong digital world còn nhiều hơn trong real world. Hiện nay hàng tháng số sản phẩm, dịch vụ trao đổi qua lại trong thế giới ảo này là hơn 1 triệu USD.

Ngoài những người bình thường vào chơi, học tập, hoặc để sáng tạo ra thế giới ảo riêng của họ, có cả nhiều trường đại học mua cả một số hòn đảo trong Second Life để làm một thí nghiệm về giao tiếp giữa con người. Điều đó cho thấy thế giới ảo thực sự có thể vượt xa ra ngoài lĩnh vực giải trí. Trên thực tế, khi tôi vừa vào lại trang web của Linden Lab thì thấy có tin nói là có một trò chơi (game) được phát triển trong Second Life để phục vụ nhóm người trong đó đã rất thành công và được bán bản quyền ra ngoài để sản xuất game cho người chơi ở thế giới thực. Một điều đặc biệt là những thứ tạo ra trong thế giới ảo này có thể được cấp bằng phát minh sáng chế và thu tiền từ việc license nó cho cả thế giới ảo và thế giới thật

Một câu hỏi được đặt ra trong buổi nói chuyện là "nếu thế giới ảo này hoàn toàn được tạo ra bởi các thành viên, thế thì ai là người làm ra luật lệ và quản lý thế giới này ?" Theo tôi hiểu thì người viết game có thể là super-user, nhưng không có ai quản lý thế giới này cả mà chỉ có một số luật cơ bản như "không giết được người khác" "không ăn cắp được của người khác" (nhưng Cory cũng nói là đối với các thành viên thích "chiến đấu" thì có riêng một hòn đảo mà ở đó được bắn giết nhau thoải mái. Hơi tiếc là không trả lời được rõ ràng câu hỏi là nếu một người chẳng may vào chơi ở shooting zone và bị bắn chết thì sẽ thế nào.)

Kết luận là tôi thấy second life là một ý tưởng rất hay, khác với Sim City trong đó thế giới được tạo bỏi nhân vật ảo và người chơi như chúa trời, thế giới trong second life được tạo hoàn toàn bỏi từng cá thể và sự tưởng tượng phong phú của họ . Second Life hơn Matrix ở điểm mọi người đều có thể là Neo nếu trí tưởng tượng của họ cho phép, nhưng thế giới ảo này cũng không bao giờ được như thật. Ngoài chuyện không thể ăn miếng thịt bò trong digital world mà thấy ngon, còn nhiều vấn đề mà các nhà phát triển game muốn làm cho nhân vật ảo giống thực còn rất khó . Ví dụ như ngoài đời, con người rất giỏi trong các buổi gặp gỡ trong chuyện nhận biết nét mặt, ánh mắt của người tham gia, trong một đám đông biết cách nói chuyện với người đứng gần, loại bỏ các tạp âm từ ngoài, nhưng cũng vẫn lọc ra được các thông tin quan trọng qua âm thanh, hình ảnh từ xa. Điều đó cho vào thế giới ảo như Second Life không phải dễ và còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu chung giữa khoa học máy tính và các ngành khác (ví dụ: nghiên cứu về giao tiếp trong xã hội).