Thursday, June 23, 2005

Bản thảo EWD 1175

 

Cố giáo sư Edsger W. Dijkstra có rất nhiều bản thảo, bài viết, bài nói, được lưu trữ thành một thư khố. Các bài được đánh số từ EWD 0001 đến EWD 1318. Ông viết về rất nhiều đề tài khác nhau. Bản thảo EWD 1175 với tựa đề "Sức mạnh của tổ chức hàm lâm" có nhiều điểm thú vị.

Ông mở đầu bài viết với thống kê: từ năm 1530 đến nay, có 66 tổ chức giữ được các đặc trưng mà đến nay ta vẫn có thể nhận ra chúng, trong đó có tòa thánh Roman Catholic, tòa thánh Lutheran, nghị viện Iceland, và Isle of Man. Điểm cực kỳ thú vị là: 62 tổ chức còn lại đều là các trường đại học. Điều này cho thấy các trường đại học có tiềm lực cực lớn cho sự bền lâu.

Dijkstra sau đó bàn đến những điểm căn cốt mà ta phải giữ để "nuôi" sự bền vững của môi trường hàn lâm. Ông từ chối thảo luận về môi trường đại học dưới góc nhìn tài chính, cho rằng tâm lý "kinh tế hóa" các thảo luận là một thứ bệnh cần phòng chống.

Tôi tóm lược ra đây vài điểm mà tôi thấy hay từ bài của ông:

  • Môi trường trí thức trong khuôn viên đại học là môi trường của các tinh thần không ngừng nghỉ (restless mind). Trong khuôn viên đại học thì sự lỗi lạc được chấp nhận xã hội (socially acceptable), điều này thường là không đúng ở "ngoài đời" - nơi mà sự tuân thủ (conformity) thường được xã hội chấp nhận dễ dàng hơn. Môi trường đại học là nơi dễ dàng chấp nhận nhất các ý tưởng mang tính cách mạng.
  • Môi trường đại học không chỉ là nơi cư ngụ của các tinh thần không nghỉ, mà còn là nơi bảo lưu (reservation) của các tinh thần đó. Khuôn viên đại học không chỉ "bảo vệ" các tinh thần này khỏi thế giới bên ngoài, mà còn bảo vệ thế giới bên ngoài khỏi chúng!!!
  • Môi trường đại học không chỉ là nơi mà sự công khai (openness) và sự trung thực (honesty) được (và phải được) dung dưỡng, nó còn là nơi bảo bọc các phấn đấu không ngơi nghỉ đến sự hoàn hảo (ruthless striving for perfection). Về mặt hàn lâm, không có lý do hợp lý cho sự thỏa hiệp.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến hiệu trưởng Larry Summers của đại học Harvard và bình luận gây tranh cãi rùm beng gần đây của ông về khả năng của phụ nữ trong các ngành kỹ thuật và khoa học. Các tranh cãi - nhiều khi khá thiếu văn minh này - trên các phương tiện truyền thông và từ cả các giáo sư khả kính, cho thấy môi trường hàn lâm còn xa mới đạt đến viễn cảnh của Dijkstra.

Tôi rất tâm đắc với bốn thứ phải được dung dưỡng trong môi trường đại học: "sự lỗi lạc", "sự công khai", "sự trung thực", và "sự phấn đấu không nghỉ đến tính hoàn hảo". Có lẽ lần sau ta sẽ nghĩ thêm về việc làm thế nào có thể đạt được các điều này trong bối cảnh một đại học ở Việt Nam.