Sunday, September 25, 2005

công nghiệp phần mềm Việt Nam

Thu hút hay "giành giật" nhân tài.

Tôi phải nhấn mạnh từ "giành giật". Trong công nghệ phần mềm, từ các nước phát triển cho tới các nước đang phát triển, luôn luôn phải có chính sách để giành giật nhân tài. Đây chính là một trong những điều kiện để phát triển nền công nghiệp phần mềm.

Nền công nghiệp phần mềm có những đặc thù rất riêng biệt. Đó là nền công nghiệp không đòi hỏi các tài nguyên, khóang sản. Đòi hỏi quan trọng nhất của nó chính là nguồn nhân lực. Phải xây dựng được một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và phong phú khi muốn có một nền công nghiệp phần mềm phát triển.

Và để hình thành được một số lượng nguồn nhân lực lớn, lại xuất phát từ những cá nhân xuất sắc. Hiện nay, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty phần mềm ở Việt Nam (cả công ty Việt Nam và công ty nước ngòai) đó là việc đưa ra những con số hấp dẫn của tiền lương và cả vị trí chức danh nữa.

Cách đây không lâu là một vụ chuyển nhượng một chuyên gia phần mềm nổi tiếng người Trung Quốc từ Microsoft sang Google. Lương mới của ông ta 1 triệu $/năm. Câu chuyện này làm tôi nhớ lại lọat bài trên báo Tuổi trẻ "Những người làm thuê số 1 tại Việt Nam".

Nhân nói về một trong những điều kiện đề phát triển công nghệ phần mềm, có lẽ không ai phủ nhận vai trò cũng rất quan trọng của cơ sở hạ tầng và internet. Cho dù, với gia công phần mềm anh chỉ cần một cái máy tính đời 386 hay 486 và cũng chỉ cần 1 mạng cục bộ trong công ty. Nhưng nếu như thế thì anh không thể cạnh tranh được với ai hết.

Tóm lại, đứng trên tầm vĩ mô, chúng ta luôn phải có những kế sách và chiến lược để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài.

Chỉ tiêu 500 triệu USD năm 2005.

Cách đây 5 năm, đã có một chỉ tiêu đào tạo và phát triển công nghệ phần mềm khá lớn : 50.000 nhân lực và đạt 500 triệu $ từ xuất khẩu và gia công phần mềm.

Rất nhiều nhà chuyên môn đã đưa ra các cảnh báo về khả năng thực thi của chi tiêu trên.

Từ năm 2000, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính qui đại học hàng năm của cả nước cho ngành công nghệ thông tin là 9000. Như vậy trong 5 năm đã có 45.000 nhân lực. Bên cạnh đó còn có rất nhiều các trường đào tạo khác, các trung tâm đào tạo. Xét về số lượng thì đã đủ và vượt chỉ tiêu.

Nhưng nếu xét về chất lượng thì sao?

Tôi và các bạn đồng khóa thường hay gặp mặt và thảo luận với nhau về chất lượng đào tạo trong trường đại học và ứng dụng thực tế ở các công ty.

Các công ty luôn luôn than rằng không có, hoặc tìm không ra, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của công ty. Các công ty cũng than rằng, sinh viên tốt nghiệp vẫn phải được công ty đào tạo lại ít nhất là 3 tháng cho tới 1 năm…

Sự thật như thế nào?

Cần biết rằng, quá trình đào tạo trong trường đại học chuyên về tính hàn lâm. Công nghệ phần mềm luôn thay đổi và về bản chất, mổi sản phẩm là một số các yêu cầu kỹ năng khác nhau. Quá trình đào tạo sẽ không nắm bắt được điều đó. Mà nó phụ thuộc vào từng công ty, đó là chính sách phát triển của công ty. Và tôi cũng cần phải đính chính với các công ty rằng, các công ty không phải "đào tạo lại" lực lượng sinh viên tốt nghiệp. Mà phải là "cập nhật, bổ sung" các điều kiện theo yêu cầu phát triển của công ty.

Nhưng dù sao, để quá trình học và ứng dụng thực tế hơn, các trường và các công ty phải chủ động liên kết với nhau. Có như thế thì lực lượng nhân lực công nghệ phần mềm sẽ đáp ứng được về chất. Và phát huy được khả năng sáng tạo của sinh viên ngay từ những năm đầu trong nhà trường.

Một tương lai cũng khá sáng sủa cho Việt Nam khi Ấn Độ cho biết, họ sẽ thiếu khoảng 250.000 nhân lực năm 2007. Vậy thì chúng ta phải biết khai thác hiệu quả nguồn nhân lực hay nói cách khác là nguồn chất xám Việt Nam.

Bill Gates và những lời khuyên cho nên công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và BillGates trong chuyến viếng thăm Mỹ tháng 6/2005, ông Bill Gates đã đưa ra 3 lời khuyên cho nền công nghiệp phần mềm Việt Nam :

1. Đào tạo giáo dục.

2. Giao lưu hợp tác quốc tế.

3. Tiếng Anh.

Có thể thấy rõ được sự quan trọng của các lời khuyên trên. Để công nghệ phần mềm phát triển đòi hỏi phải có 1 nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và phát triển, điều này đòi hỏi phải có quá trình đào tạo hợp lý và cập nhật. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì phải tranh thủ hợp tác với quốc tế, để sớm hòa nhập với sự tiến bộ và các đòi hỏi của các sản phẩm phần mềm. Và để tiếp thu các kiến thức trên tốt nhất, có sực cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc thì ngôn ngữ Tiếng Anh là tối cần thiết.

Cách đây mấy năm, khi Bill Gates qua thăm Việt Nam và thành lập quĩ hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho Việt Nam, ông cũng đã đưa ra rất nhiều lời khuyên đáng quí. Trong đó, ông luôn khẳng định : Tri thức phải luôn đi kèm với sức khỏe. Một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể cường tráng.

Cũng hòan toàn đúng như thế, khi mà các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất coi thường sức khỏe của mình.

Việc sử dụng máy vi tính liên tục có hại cho sức khỏe, hại cho mắt, thiếu vận động và con người thường trở nên nóng nảy. Vì thế luôn luôn phải biết cách bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho thế hệ mai sau nữa.