Tuesday, September 20, 2005

Tìm thiên thể mới bằng ... Google?

Tháng trước có một sự kiện xôn xao giới thiên văn. Tờ NY Times v ừa có bài về vụ này. Đại loại là ngày 27 tháng 7 vừa rồi một nhóm các nhà thiên văn Tây Ban Nha ra thông cáo rằng họ khám phá ra một thiên thể rất lớn trong hệ mặt trời, to gần bằng Pluto, với tên kỹ thuật là 2003 EL61, còn có tên khác là K40506A.

Oái oăm là, nhóm của giáo sư Michael Brown ở đại học Caltech đã theo dõi thiên thể này nhiều tháng liền trước đó, nhưng chưa thông báo ra vì muốn thu thập dữ liệu nghiên cứu trước. Không còn cách nào khác, ông Brown gửi thư chúc mừng các đồng nghiệp xứ bò tót, và thậm chí còn ghi rõ trên homepage rằng "các nhà khoa học kia xứng đáng hưởng kết quả tìm kiếm của họ " (xem tin ngày 10 tháng 8). Chưa hết, nhóm Caltech báo thêm 2 thiên thể nữa còn lớn hơn mà nhóm vẫn đang ... giấu diếm đã 6 tháng để nghiên cứu trước, trong đó
2003 UB313 , hành tinh thứ 10 của hệ mặt trời!

Sự kiện rẽ sang ngã mới khi Brown khám phá ra rằng cái log của kính thiên văn dùng để quan sát 2003 EL61 đã có thể truy cập được trên Internet vài ngày trước khi nhóm Tây Ban Nha thông báo kết quả của họ. Brown nói: "chỉ cần google K40506A 2 giây là ra".

Tôi vừa thử google thì ra cái
log này,
chắc không phải là log duy nhất. Dùng các dữ liệu này, ai có kính thiên văn là có thể hướng đến các tọa độ đó và quan sát thiên thể mới.

Sau khi truy cập weblog của các websites chứa dữ liệu về kính thiên văn, Brown thấy rằng có ai đó ở IP 61.111.165.49 (IP của viện thiên văn Tây Ban Nha - chỗ của nhóm kia) đã truy cập các logs này vào ngày ... 26 tháng 7, một ngày trước thông báo của nhóm kia.

Brown gửi email đến giám đốc trung tâm quốc tế về các hành tinh nhỏ yêu cầu tước bỏ "danh hiệu" người khám phá ra 2003 EL61 đầu tiên. Brown cũng bỏ lời chúc mừng nhóm kia ra khỏi homepage của mình.

Thời biểu chi tiết và các sự kiện liên quan
được nhóm của Brown để lên website của họ. Theo trang này thì Brown đã gửi email đến nhóm Tây Ban Nha về vụ truy cập weblog, không nhân được trả lời, nên vài ngày sau Brown mới càm ràm ra ngoài. Nhóm Tây Ban Nha thì nói: đây không phải lần đầu nhóm của Brown giấu diếm kết quả để nghiên cứu trước. Các thiên thể Quaoar và Sedna đã ở tình trạng tương tự.

Về nguyên tắc thì các khám phá khoa học nên được chia sẻ với toàn bộ cộng đồng nghiên cứu để đẩy nhanh tiến trình khám phá các chân lý mới. Thế nhưng, khi một nhà toán học khám phá ra một bổ đề quan trọng cho một định lý đang tìm cách chứng minh thì có phải "chia sẻ" kết quả này ngay với đồng nghiệp không? Hay là dành vài tháng, vài năm, suy nghĩ tiếp đến khi ra thì thôi?

Tôi không biết các qui chuẩn trong giới thiên văn thế nào, chứ nhà toán học giả dụ kia thì không vi phạm đạo đức nghề nghiệp gì sất!
Andrew Wiles gần như ở ẩn 7 năm trời để chứng minh định lý Fermat lớn ... một mình ông.

Các bạn nghĩ sao - Brown có lỗi gì trong việc giấu diếm kết quả này không?