Monday, April 25, 2005

Hướng đến tương lai


Những bài viết này tôi sử dụng lại từ GS. Ngô Quang Hưng, CSE of Buffalo.


Người truyền cảm hứng cho ước mơ trên là tiến sĩ Richard M. Stallman (thường được gọi là RMS), cha đẻ của phong trào phần mềm miễn phí của thế giới. Tôi không thể nghĩ ra một lập trình viên, một hacker nào giỏi hơn RMS (kể cả Linus Torvalds và Bill Gates). Hệ điều hành Linux đáng lẽ phải được gọi là hệ điều hành GNU với lõi Linux (như kiểu máy tính Dell với bộ vi xử lý Intel). Coi Linux như một hệ điều hành đứng riêng là một trong những hiểu lầm cực kỳ đáng tiếc, rất tiếc là khá phổ biến. GNU là công trình con đẻ của RMS. Nhưng thôi, chuyện này ta để dịp khác.

Không chỉ là bậc thầy về kỹ thuật máy tính, RMS có ước mơ làm cho cả thế giới có thể dùng, sửa đổi, phân phối, thậm chí buôn bán, các phần mềm miễn phí. Theo nhiều nghĩa, triết lý này của ông tương đồng với ý tưởng rằng tri thức của nhân loại phải đến với chúng ta nhanh chóng và không tốn kém. Việc các nước chậm phát triển mua phần mềm của các tập đoàn lớn, đối với RMS, là một dạng thuộc địa hóa hiện đại. Người ta sẽ bị ràng buộc một cách rất khó chịu vào các phần mềm đắt tiền này, mà lại không biết trong chúng thật sự viết gì (ví dụ có thể có phần gián điệp cài đặt vào). RMS cũng đứng đầu phong trào chống software patents, một trong những loại patent vô lý nhất trên đời.

Rồi tôi nghĩ đến một viễn cảnh lớn hơn, khi mà các bài giảng, sách vở ở tất cả các bậc học ở Việt Nam cũng đều miễn phí. Ta sẽ có một thư viện online khổng lồ. Kiến thức sẽ đến với bất kỳ ai sau một cái click con chuột. Chẳng phải đấy là mục đích tối hậu của phổ cập giáo dục? Tôi đi tìm lòng vòng trên Internet và đã tìm ra bốn dự án có chung chí hướng này.

Dự án thứ nhất là của nhà xuất bản kỹ thuật máy tính số một thế giới: nhà xuất bản O'Reilly với "dự án sách mở" ( Openbook Project). Các quyển sách ở đây được đăng ký với vài loại lisence khác nhau, như GNU Free Documentation Lisence, Open Publication Lisence, GNU General Public Lisence , và bản thân O'Reilly cũng có rất nhiều sách theo Creative Commons Founders' Copyright. Về tinh thần, các lisences/copyright này đều giống ước mơ của RMS.

Dự án thứ hai là tự điển bách khoa toàn thư miễn phí Wikipedia. Với khoảng 300,000 đề mục, Wikipedia là tự điển bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới. (Quyển bách khoa toàn thư của Britanica có khoảng 85,000 đề mục – số liệu tháng 7/2004.) Chất lượng của Wikipedia rất cao, và tôi dùng nó thường xuyên. Mô hình nhiều người đóng góp mang tính phân bố (distributed contribution) của Wikipedia là mô hình đáng học tập cho việc phổ cập kiến thức.

Dự án thứ ba là dự án gnowledge của trung tâm giáo dục khoa học Homi Bhabha của Ấn do giáo sư Nagarjuna chủ xướng. Tinh thần của dự án này cũng là kiến thức miễn phí.

Dự án cuối cùng là dự án Open Courseware của viện công nghệ Massachusetts. Ở đây rất nhiều bài giảng của các giáo sư hàng đầu thế giới được để mở cho mọi người cùng truy cập.

Một thư viện online khổng lồ bằng tiếng Việt (dĩ nhiên không phải chỉ có sách giáo khoa). Sách vở, bài giảng, trao đổi miễn phí. Học sinh nghèo nhất cũng có khả năng liên lạc với bậc thầy nổi tiếng nhất. Một môi trường học tập, tham khảo, mà ai cũng có cơ hội tham gia, bổ túc cho nhau, học hỏi lẫn nhau. Hay cũng chỉ là một mơ ước, và chúng ta lại đi chậm hơn thế giới?
Cá nhân tôi thì khi nào rảnh rỗi đều viết vài trang sách và bài giảng tiếng Việt. Bạn sẽ thấy một quyển sách, vài bài giảng miễn phí về một nhánh nhỏ của khoa học máy tính trong một ngày không xa. Tất cả có thể bắt đầu bằng một ước mơ