Friday, March 11, 2005

Khoa học máy tính hay công nghệ thông tin?

 

Cụm từ "công nghệ thông tin" (information technology - IT) có khi được dùng đồng nghĩa với "khoa học máy tính" ( computer science - CS). Không nên đánh đồng IT và CS.

Theo tự điển Wikipedia thì IT là công nghệ dùng để xử lý thông tin, thường dùng theo nghĩa là công nghệ ứng dụng máy điện toán và phần mềm để chuyển đổi, bảo vệ, xử lý, truyền, lưu giữ và truy cập thông tin. Nhưng rõ ràng là các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, đã dùng các công nghệ khác (trước cả khi có máy tính) để xử lý, phân phối, truyền, lưu trữ và truy cập thông tin! Như vậy, bản thân chữ IT theo định nghĩa này đã có lấn cấn.

CS mang nghĩa rộng hơn IT rất nhiều. Theo tự điển thì CS bao gồm IT cộng thêm một khái niệm rất sâu sắc gọi là sự tính toán ( computation). Giáo sư Don Knuth (giải Turing năm 1974) trong bài "Khoa học máy tính và quan hệ của nó với toán học" (xem một tuyển tập có bài này) viết: "có lẽ hai khoa học gia máy tính sẽ cho bạn hai định nghĩa khác nhau về CS ... Định nghĩa của tôi là: CS là sự nghiên cứu khái niệm giải thuật".

Ta thử lấy ví dụ một đối tượng nghiên cứu của CS không nằm trong IT: lý thuyết tính toán (theory of computation). Đây là một ngành của CS nhằm vào câu hỏi: "cái gì có thể tính được?" Câu hỏi này ngoài ý nghĩa thực tiễn còn mang đậm tính triết học và liên quan mật thiết đến logic. Máy tính đã làm được nhiều việc tuyệt vời, từ đánh cờ thắng Kasparov, mô phỏng Big Bang, đến hiện thực mạng thông tin toàn cầu. Vậy khả năng giới hạn của máy tính là gì? Nó có giới hạn không, hay là vài chục năm nữa sẽ có máy tính thông minh hơn người? Biên giới của các giới hạn, nếu có, là ra sao về mặt thời gian (time) và bộ nhớ (space)?
Để trả lời các câu hỏi loại này, ta cần nhiều hơn cái gọi là công nghệ thông tin.

Khi khác ta sẽ trở lại với các vấn đề mà máy tính không giải quyết được. (Không nhất thiết phải là các vấn đề tình cảm đâu nhé.)