Sunday, March 06, 2005

Từ một giấc mơ

Những bài viết này tôi copy của GS Ngô Quang Hưng, Pro.CSE of Buffalo.


Ngày 25 tháng 10 năm 2003, giáo sư Donald Knuth gửi một lá thư đến ban biên tập của tạp chí chuyên ngành thuật toán (Journal of Algorithms). Trong thư, ông phân tích giá cả xuất bản của các tạp chí chuyên ngành trong ngành lý thuyết khoa học máy tính.

Giá xuất bản của các bài báo chuyên ngành tính theo từng trang đã tăng quá nhanh. Ông so sánh giá tính theo lạm phát và giá tăng thực tế. So sánh cho thấy một số nhà xuất bản chuyên nghiệp đã lợi dụng các nghiên cứu khoa học, vốn bản chất là miễn phí và tự nguyện, để kiếm lợi quá đáng. Các ban biên tập và các người phê bình (review) các bài báo chuyên ngành đều nói chung là làm việc tự nguyện và miễn phí. (Đôi khi người trong ban biên tập có thể nhận một số tiền tượng trưng hoàn toàn không đáng kể.) Trong khi đó các thư viện phải trả một giá rất đắt để nhận các tạp chí chuyên ngành này. Ông đặc biệt nghiêm khắc với nhà xuất bản Elsevier, kẻ kiếm lợi quá đáng nhất.

Khi xưa thì các nhà xuất bản phải làm việc khá nhiều để có thể đăng một số báo. Nay thì nhờ có
phần mềm miễn phí TeX của chính Don Knuth, các tác giả đều tự soạn thảo lấy bài báo của mình với chất lượng rất cao. Nói chung một nhà xuất bản chỉ là người đứng giữa, thu bài (đã soạn thảo) và làm việc in ấn và phát hành.

Lá thư này đã làm cho cả ban biên tập của Journal of Algorithms từ chức và tự thành lập một journal mới. Một online journal miễn phí khác cho ngành lý thuyết tính toán cũng đã được thành lập. Online Journal of Combinatorics đã bắt đầu hành trình này khoảng năm 1995, và đã rất thành công. Giá trị khoa học và danh tiếng của một journal hoàn toàn nằm ở danh tiếng của ban biên tập, cho nên các online journal này, dù mới, đều là các journal đỉnh cao trong ngành.

Online journal trong thời đại chúng ta là đường đi cực kỳ hữu lý, nhất là đối với các nghiên cứu khoa học. Bất kỳ nhà khoa học chân chính nào cũng muốn công trình, ý tưởng của mình đến với người đọc nhanh chóng nhất, tiện lợi nhất, và ít tốn kém nhất (trong trường hợp này là miễn phí). Các nhà khoa học máy tính đều để các bài báo của mình ở homepage của họ, và có thống kê ở tạp chí Nature cho thấy các bài báo online được đọc và tham chiếu (referred/cited) đến nhiều hơn các bài khác. Với một webserver đơn giản và ít công bảo trì là phần cơ học của một journal đã được đảm bảo. Các công việc còn lại là biên tập và phê bình, chọn bài, thì các nhà khoa học đằng nào cũng đang làm.

Một vụ tương tự cũng đã xảy ra ở Machine Learning Journal vài năm trước, và toàn bộ ban biên tập của tạp chí này cũng đã thoái vị và thành lập online journal miễn phí Journal of Machine Learning Research .

Bản thân tôi
tin tưởng tuyệt đối rằng tri thức của nhân loại thì cần phải được đến với càng nhiều người càng tốt, giá càng rẻ càng tốt, miễn phí là lý tưởng . Hành động giấu giấu diếm diếm tri thức và kiếm lợi trên tri thức của người khác là hành động hèn nhát đáng lên án. Có lẽ phải làm rõ điểm này. Tri thức được khám phá khác với các công trình sáng tạo mà chủ nhân hoàn toàn có quyền giữ bản quyền và thu lợi nhuận. Không ai có quyền mua bán phương trình sóng Maxwell, nhưng có thể bán thuốc chữa AIDS mới nhất. Điểm này dài dòng ta để khi khác. Hy vọng là qua ngữ cảnh của bài viết, các bạn hiểu tôi muốn nói gì.

Internet đã thay đổi cơ bản sự xuất bản, nhất là xuất bản khoa học.

Nghĩ đến đây, tôi có một mơ ước, rằng một ngày nào đó các sách giáo khoa của chúng ta được để trong một trang web nào đó, cho học trò tải xuống miễn phí, để người nghèo nhất cũng có thể nhờ ai đó tải xuống và in ra [và trả ít phí cho việc này], copy lại cho nhiều học sinh khác cùng dùng. Theo cách này, nhiều người có thể đọc sách giáo khoa, phê bình những chỗ sai đúng online, sách giáo khoa có gì sai thì có thể chữa ngay lập tức thay vì phải đi qua quá trình xuất bản và phân phối sách hiện nay. Ta vẫn có thể in một số ấn bản nhất định để phục vụ bạn đọc vùng sâu vùng xa trong khi chờ phổ cập Internet. Mô hình vừa cho miễn phí trên mạng vừa bán bản in đã được làm rất phổ biến và thành công ở Mỹ và cả Việt Nam (báo chí online là một ví dụ rất tốt).

Bộ giáo dục nói riêng và nhà nước ta nói chung đã tốn bao nhiêu tiền của cho việc soạn thảo sách giáo khoa, thì cách này sẽ có thể dùng tiền đó trả cho người viết sách và trả tiền thuê server và bảo trì server. Tại sao lại thêm một lớp cản kiếm lợi giữa tri thức và công chúng, trong khi phổ cập tri thức là chiến lược sống còn của Việt Nam?