Monday, March 07, 2005

Đến c�c vấn đề thực tế

 

Mơ ước trên phải chăng là lấy trăng đáy nước. Bạn có thể hỏi:

  • Trong tình trạng Internet chưa được phổ cập, người không có Internet thì làm thế nào? Có khá nhiều cách giải quyết vấn đề này. Ta thử nghĩ vài giải pháp “đơn giản”.
    • Ta vẫn có thể in một số ấn bản nhất định để phục vụ các nơi chưa có Internet. Ý tưởng này giống như các báo chí vừa có bản in vừa có bản online.
    • Ở các chỗ có Internet nhưng chưa phổ biến lắm, thì có thể lập các dịch vụ in ấn và copy địa phương. Việc phân phối này giống như phân phối/đóng gói phần mềm mã nguồn mở. Thậm chí có thể áp dụng luôn Gnu public lisence (GPL) vào sách. Chẳng phải ta dang có quốc sách phát triển mã nguồn mở hay sao?
    • Điều này hoàn toàn có thể tiến hành song song với việc phổ cập Internet, cho đến khi Internet đến mọi nơi thì cũng đã có nhiều sách online rồi.
  • Thế các tác giả sách thì sống thế nào? Dĩ nhiên tác giả phải được trả công xứng đáng.
    • Với nhiều triệu truy cập liên tục trên các trang sách online này, tiền quảng cáo là một nguồn lợi không nhỏ.
    • Giống như phần mềm mã nguồn mở, các tác giả cũng có thể có tiền từ đóng góp của phụ huynh, các công ty, và nhà nước.
  • Khi nội dung sách được “mở” cho mọi người phê bình, làm thế nào quản lý được sự hỗn độn này?
    • Một hệ điều hành phức tạp như GNU/Linux mà còn có thể mở toanh hoanh cho người ta đọc nguồn, chê bai, sửa chữa, thì không có lý do gì một quyển sách không quản lý được.
    • Thời gian trước có vụ một ông nhà thơ nào đó phê bình các tác giả viết sách giáo khoa Văn Học. Tôi thấy người ta trích dẫn lẫn nhau trên mặt báo, nhưng có khi trích dẫn thiếu ngữ cảnh, người đọc không có ai có thời gian đi kiểm chứng. Phê bình online thì năm năm rõ mười, mọi thứ rành rành ra đó.

Cái lợi của sách giáo khoa miễn phí thì vô cùng tận

  • Dần dần tiết kiệm công lao động và tiền bạc chuyên chở, phân phối, quan liêu, tham nhũng liên quan đến xuất bản đăng đầy trên mặt báo mỗi năm.
  • Các tác giả sẽ có trách nhiệm hơn khi bàn dân thiên hạ chủ động "soi mói" vào công trình của mình.
  • Sách có thể được viết nháp, cho mọi người phê bình trước khi cho vào chương trình. Vài triệu đôi mắt thì tốt hơn một hội đồng vài chục người, dù là chuyên gia đi nữa. Các lỗi thô thiển sẽ khó mà thoát khỏi quá trình này. Đây chính là cách mà các giáo sư viết sách ở nước ngoài vẫn làm. Thông thường họ giao bản nháp cho bạn bè, đồng nghiệp, dùng để dạy qua vài năm, cho đồng nghiệp và biết bao sinh viên góp ý, sửa chữa, trước khi in.
  • Các tài liệu, bài tập, hình ảnh, liên kết, thông tin có liên quan đến nội dung sách có thể được để online. Cả học sinh, sinh viên, lẫn thầy cô đều truy cập được. Tác giả có thể làm rõ điểm này, người dùng thắc mắc điểm kia. Cách học này cực kỳ pro-active và là phương pháp học tiên tiến. Học trò và phụ huynh có thể kiểm tra nếu thầy cô giáo dạy sai. Thầy cô giáo có thể dùng các thông tin liên quan làm cho phòng học sinh động hơn. Người ta có thể chia xẻ lẫn nhau kinh nghiệm học tập, giảng dạy đề tài đó.
  • Sách có thể được cập nhật thường xuyên hơn, ví dụ như thêm/sửa một chương cho phù hợp với tình tình hiện tại. Nếu dùng sách offline thì phải chờ rất lâu mới có thể phân phối đến người dùng.
  • Đây cũng là cách cực tốt để thanh thiếu niên và cả phụ huynh có động cơ dùng Internet theo hướng tích cực, thay vì chỉ vào chat-room tán gẫu. Người chưa có Internet thì có động cơ để kết nối Internet, để mua máy tính mới, thúc đẩy thị trường công nghệ cao.
  • Với từng cá nhân thì một máy tính, một máy in, qua mười mấy năm học, sẽ rẻ hơn đi mua cả trăm quyển sách giáo khoa.
Còn một lý do tối quan trọng nữa mà lần tới tôi sẽ đề cập.
 
 


Start your day with Yahoo! - make it your home page